“Thợ săn tiền thưởng” và những hệ luỵ xã hội

Ngày 10/1/2025, BBC Tiếng Việt bình luận “Hệ lụy nào từ chính sách “thợ săn tiền thưởng” giao thông?”

BBC cho biết, tâm điểm của các bàn luận trên mạng xã hội hiện nay, không chỉ xoay quanh các mối lo ngại về mức phạt cao, mà còn xoáy vào chuyện sẽ hình thành một “nghề” mới – “thợ săn tiền thưởng” – có thể gây chia rẽ, nghi kỵ trong cộng đồng; gia tăng nạn mãi lộ không chỉ giữa người vi phạm với cảnh sát, mà còn giữa cả người vi phạm và người tố giác.

BBC dẫn nhận định của luật sư Ngô Anh Tuấn, từ Hà Nội, cho rằng, mục tiêu tối thượng ban đầu là nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân vào công tác xử lý vi phạm giao thông, đảm bảo trật tự xã hội của nhà nước. Việc thưởng không phải là mục tiêu chính mà chỉ mang tính khuyến khích.

Đồng tình với ý kiến trên, BBC dẫn đánh giá của luật sư Phùng Thanh Sơn, nói thêm rằng, chính sách tiền thưởng như thế không phải là cách tiếp cận bền vững, vì có thể tạo ra động cơ sai lệch, thậm chí “tiềm ẩn những mặt trái về đạo đức xã hội”.

Theo ông Sơn, văn hóa “chỉ điểm” không lành mạnh, có thể gây chia rẽ, nghi kỵ, mất đoàn kết trong cộng đồng, và tạo tâm lý “làm tiền”, từ việc phát hiện lỗi của người khác, “chuyển từ hối lộ cho cảnh sát giao thông sang hối lộ cho người phát hiện vi phạm”.

“Nếu người dân tuân thủ một luật vì sợ bị phát hiện và bị phạt nặng thì đó không phải là mục tiêu cuối cùng của pháp luật”, theo luật sư Sơn.

Ông Sơn còn cho rằng, xét về lâu dài, việc thưởng cho người tố giác có thể gây bất lợi cho Đảng và nhà nước ở nhiều phương diện, như: Người dân phải sống trong tâm trạng lo âu thường trực, vì sợ bị phát hiện vi phạm; gia đình người vi phạm có thể rơi vào cảnh “kiệt quệ về tài chính”. Đồng thời, “nghề săn lỗi” vi phạm để kiếm tiền, còn tạo ra một “thị trường ngầm” môi giới giảm tiền phạt. Hệ quả là, khoảng cách giàu nghèo càng bị đào sâu, khi cùng một mức phạt nhưng tác động rất khác nhau đến các nhóm thu nhập.

Đáng lo ngại nhất, vẫn theo ông Sơn, là những hệ lụy về mặt chính trị. Khi ngày càng nhiều người bị đẩy vào cảnh túng quẫn, họ có thể rơi vào tâm lý không còn gì để mất. Khoảng cách giữa chính quyền và người dân có nguy cơ bị nới rộng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào chính sách.

Bên cạnh đó, luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, một chính sách cần được xây dựng dựa trên nhiều khía cạnh, trong đó có khía cạnh kinh tế, phải tạo được sự hài hoà trong xã hội, và trên hết, phải được người dân ủng hộ, nếu không sẽ bị đào thải.

BBC cũng cho biết, theo cả 2 luật sư, thay vì áp dụng chính sách thưởng tiền, nhà nước nên sử dụng đội ngũ tuyên truyền vốn rất đông đảo của mình, để giáo dục ý thức cho người dân, cải thiện hạ tầng giao thông và tăng cường năng lực của lực lượng chức năng.

Ông Tuấn cho rằng, quy định đã ban hành rồi thì nên áp dụng, sau đó đánh giá tác động của chính sách lên cộng đồng.

Trong khi đó, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng “gian lận là điều khó tránh khỏi, nếu việc cung cấp thông tin vi phạm và chi thưởng, không được người dân giám sát theo thời gian thực”.

Để hạn chế tối đa việc gian lận, ông Sơn cho rằng, cần tập trung vào 4 giải pháp chính.

Thứ nhất, cần xây dựng một cổng thông tin thống nhất, và người dân chỉ được nộp thông tin qua cổng này, không chấp nhận các kênh khác.

Thứ hai, cần xây dựng quy trình thẩm định chặt chẽ các video, hình ảnh, mà người dân cung cấp. Mỗi thông tin phải được ít nhất 2 cán bộ độc lập thẩm định, và chịu trách nhiệm về việc thẩm định hình.

Thứ ba, việc chi thưởng chỉ thực hiện, khi đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt về thông tin.

Cuối cùng, toàn bộ quá trình chi trả tiền thưởng phải công khai, minh bạch.

 

Quang Minh – thoibao.de